10.5.20

"Đội ngũ cố vấn của tổng thống Trump hiện nay có những nhân sự hiểu biết sâu sắc về lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá Trung Hoa. Sự hiểu biết này xứng tầm đẳng cấp của những học giả Hán học hiện đại được mệnh danh là "Trung Quốc thông".

Ngũ Tứ vận động là một là một phong trào đấu tranh rộng lớn của học sinh, sinh viên, trí thức Trung Quốc, xảy ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 của 101 năm về trước. Để kỷ niệm ngày Ngũ Tứ vận động, Phó cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, Matt Pottinger đã hướng tới Trung Quốc nói bằng tiếng Hoa, gợi nhớ lại những khát khao cháy bỏng của thế hệ tiền bối cách mạng Trung Quốc. Những sự kiện quan trọng này đều bị nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc che đậy hoặc xuyên tạc để đè bẹp những ước mơ dân chủ

Matt Pottingger nói kiểu này được xem là đại bác bắn thẳng vào thành trì cộng sản."
 Bản dịch nguyên văn tiếng Hoa bài phát biểu của phó cố vấn an ninh quốc gia, Matt Pottinger do Hồ Như Ý dịch.
Ngũ Tứ Vận Động viết tắt của cuộc cách mạng ở Trung Quốc xảy ra vào ngày 4 tháng 5 năm 1919
Reflection on China’s May Fourth Movement: an American Perspective
Deputy National Security Advisor Matt Pottinger to the Miller Center at the University of Virginia, May 4, 2020

Tinh thần phong trào "Ngũ Tứ" Trung Hoa dưới góc nhìn của một người Mỹ

- Phát biểu của Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Matt Pottinger tại Miller Center, Đại học Đại học Virginia ngày 4 tháng 5 năm 2020

Chào buổi sáng! Tôi là Matt Pottinger, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, tôi đang nói chuyện với các bạn từ Nhà Trắng. Tôi thay mặt cho cấp trên của tôi, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald J. Trump gửi lời hỏi thăm niềm nở đến các bạn.

Ngày hôm nay với hàng nghìn người từ khắp nơi, chúng ta tụ hợp nhau lại trên mạng internet bởi vì đại dịch bệnh truyền nhiễm đã khiến cho chúng ta không cách nào cùng tụ họp. Nhưng thông qua sự diệu kỳ của mạng internet, chúng ta có thể tập hợp càng nhiều người hơn. Với tư cách là người Mỹ, người Trung Quốc, là thành viên của đại gia đình nhân loại, tất cả chúng ta đều cố gắng hết mình phát huy năng lực của bản thân, phát huy sức sáng tạo từ "to lớn" đến "nhỏ bé", khắc phục khó khăn, bảo vệ cộng đồng.

Sức sáng tạo "to lớn" của con người bao gồm việc sử dụng công nghệ sinh học và phân tích dữ liệu nhằm nghiên cứu tìm kiếm vaccine và phương pháp điều trị bệnh. Đồng thời, sự "nhỏ bé, khéo lé" của sức sáng tạo bao gồm những sắc thái tinh tế trong cuộc sống, ví dụ như việc ở nhà và học tập cách cắt tóc cho nhau. Vợ của tôi là một nhà virus học có thâm niên, cô ấy hôm nay cũng có mặt ở đây, nhưng từ đầu tóc của tôi, các bạn có thể thấy rằng cô ấy vẫn là một người thợ cắt tóc tại nhà mới vào nghề.

Đây là lần thứ hai tôi hân hạnh có cơ hội được nói chuyện với khán thính giả tại Trung tâm Miller, Đại học Đại học Virginia. Vào khoảng 10 năm trước, sau khi phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến, tôi nhận lời mời đến nói chuyện tại Trung tâm Miller, nội dung là những tri thức mà tôi đã học được từ trong thời gian tham gia quân đội, cùng mối quan hệ giữa quân đội và công dân. Từ đó về sau, tôi luôn nhớ tới sự nhiệt tình và tầm nhìn xa của Giám đốc trung tâm Miller, Jerry Baliles, nhưng thật không may là ông đã qua đời vào tháng 10 năm ngoái. Ông đã phục vụ suốt cuộc đời mình cho lợi ích chung của Virginia và đất nước chúng ta. Chúng ta cảm ơn những người như Jerry.

Ngày hôm nay, tôi nhận được lời mời của giáo sư Harry Harding và giáo sư Lâm Hạ Như (Shirley Lin), chia sẻ với các bạn một số suy nghĩ về mối quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Giáo sư Lâm nói với tôi, hoạt động lần này trùng với dịp kỷ niệm 101 năm diễn ra phong trào Ngũ Tứ. Tôi biết rằng đây là một chủ đề tốt để bắt đầu thảo luận về quá khứ và hiện tại của Trung Quốc từ góc nhìn của Hoa Kỳ.

Phong trào Ngũ Tứ năm 1919 được hình thành sau khi Chiến tranh Thế giớii thứ nhất kết thúc, hàng nghìn học sinh sinh viên Bắc Kinh đã tụ tập ở quảng trường Thiên An Môn, bày tỏ kháng nghị đối với sự đối xử bất công mà Trung Quốc phải chịu tại Hội nghị Hòa bình Paris 1919. Các quốc gia phương Tây vì muốn làm yên lòng Đế quốc Nhật Bản, đã đem quyền lợi của nước Đức tại bán đảo Sơn Đông nhượng lại cho Nhật Bản.

Các sinh viên diễu hành đến quảng trường Thiên An Môn và cao giọng hô vang những khẩu hiệu như: "Trả chúng tôi Sơn Đông", "Từ chối ký Hòa ước Versailles!", cảnh sát đã sử dụng vũ lực mạnh mẽ để giải tán người biểu tình. Sự việc xảy ra sau đó cũng diễn tiến giống những cuộc biểu tình hòa bình khác khi chính phủ đóng cửa, một số sinh viên sử dụng phương thức bạo lực, leo thang mức độ kháng nghị. Nhận thức được sự tức giận sôi sục của dư luận, chính phủ Trung Quốc từ chối tham gia kí vào Hòa ước Versailles[①]


Ba năm sau đó, dưới sự giúp đỡ và hòa giải từ phía Hoa Kỳ, một thỏa thuận đã được dàn xếp tại Hội nghị Hải quân Washington[②] vào năm 1922, Trung Quốc thu hồi lại Sơn Đông. Tuy nhiên, ngày hôm nay chúng ta nhìn lại phong trào được phát động bởi sinh viên Trung Quốc vào 101 năm trước, thì ý nghĩa của nó vượt xa sự phẫn nộ của chủ nghĩa dân tộc đối với các hiệp ước bất bình đẳng. Nó truyền cảm hứng tìm kiếm con đường hiện đại hóa của người dân Trung Quốc. Giống như những gì mà John Pomfret đã mô tả về lịch sử mối quan hệ Hoa Kỳ Trung Quốc, phong trào Ngũ Tứ đã thay đổi chính trị, xã hội và văn hóa Trung Quốc một cách triệt để. Mr Democracy và Mr Science là những khẩu hiệu mà phong trào hiện đại hóa Trung Quốc hướng tới. Có người gọi phong trào này là "Phong trào khai sáng Trung Quốc". Giáo sư Vera Schwarcz đã lấy đây làm chủ đề và viết một cuốn sách rất có kiến giải về phong trào Ngũ Tứ. Trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu xuất sắc về Ngũ Tứ. Hôm nay, có ít nhất hai nhà nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đương đại nổi tiếng đã nhận lời tham gia hội nghị: Rana Mitter của Đại học Oxford và John Israel của Đại học Virginia. Để thảo luận về ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của phong trào Ngũ Tứ, tôi kiến nghị các bạn thỉnh giáo ý kiến của những chuyên gia này.

Bây giờ tôi muốn dành vài phút đồng hồ, nhằm hồi tưởng lại một số người Trung Quốc đã có vai trò thúc đẩy và truyền bá tinh thần Ngũ Tứ.

Rất hiển nhiên, Hồ Thích[③] là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong thời đại Ngũ Tứ: Trước đó, ông đã từng là một nhà tư tưởng quan trọng với nỗ lực hiện đại hóa Trung Quốc. Hồ Thích được sinh ra ở tỉnh An Huy, ông cũng giống như Lỗ Tấn và nhiều tác gia nổi tiếng khác đương thời, ông đã từng du học ở nước ngoài. Ở Đại học Cornell ông chuyển từ học nông nghiệp sang học triết học. Hồ Thích đã từng học tập tại Đại học Columbia dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục John Dewey.

Món quà cống hiến vĩ đại nhất của Hồ Thích đối với người Trung Quốc là ngôn ngữ. Trước đó, ngôn ngữ viết của Trung Quốc là Văn ngôn[④] về cơ bản đã không có sự thay đổi nào trong nhiều thế kỷ. Rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy, khoảng cách giữa Văn ngôn và Bạch thoại văn không hề thua kém gì so với khoảng cách giữa tiếng Latin và tiếng Ý hiện đại. Sự thâm thúy, khó hiểu của văn viết đã tạo ra một chướng ngại ngăn cách giữa những người thống trị và những người bị trị - và đây là mấu chốt của vấn đề. Văn ngôn, cũng như bản thân vấn đề biết đọc biết viết, chúng chủ yếu được kiểm soát soát bởi một số ít những người thuộc giới chính trị tinh hoa và những người đọc sách, ước nguyện lớn nhất của bọn họ là thi đỗ trong kỳ thi tuyển chọn quan lại của chính quyền, họ đọc sách không phải là để truyền bá kiến thức cho công chúng.

Ngược lại, Hồ Thích cho rằng chữ viết cần phải được dùng để phản ánh tiếng nói của người dân, mà không phải là chỉ dùng để ghi lại những lời nói của tiên hiền. "Người ở thời đại nào, nói tiếng ở thời đại đó!", ông thúc đẩy quảng bá Văn bạch thoại, tin chắc rằng chữ viết cần phải được phổ cập. Ông đã đóng góp vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngôn ngữ tiếng Trung Quốc. Nhìn lại lịch sử, ý nghĩa của việc Hồ Thích thúc đẩy sử dụng Văn bạch thoại quan trọng đến mức khiến cho người ta dễ dàng quên rằng ý tưởng mang tính cách mạng này vào lúc đương thời đã từng gây nên những cuộc tranh cãi lớn.

Nhà Nho học và giáo sư văn học phương Tây của Đại học Bắc Kinh Cô Hồng Minh đã từng cười nhạo phong trào xóa mù chữ. Vào tháng 8 năm 1919 ông đã viế: "Hãy nghĩ mà xem 400 triệu người, với 90% là người biết chữ thì sẽ có kết quả gì. Nghĩ mà xem, ở Bắc Kinh, những người lao động thể lực nặng nhọc, người đánh xe ngựa, người lái xe, người cắt tóc, tiểu nhị chạy bàn, những người buôn bán vỉa hè, thợ săn, bọn vô lại lười biếng tất cả đều có văn hóa, họ giống như những sinh viên đại học, đều muốn tham dự chính trị, tình cảnh tuyệt duyệt của chúng ta sẽ như thế nào đây?

Thứ chủ nghĩa sô vanh tinh hoa này liên tục cản trở lý tưởng về dân chủ được phong trào Ngũ Tứ ủng hộ. Hồ Thích đã vận dụng Văn bạch thoại mà ông vốn tích cực quảng bá để bác bỏ một cách khéo léo luận điểm phản đối xã hội khế ước toàn dân. Hồ Thích nói: "Con đường duy nhất để đi tới dân chủ chính là dân chủ", chính phủ là một nghề thủ công, cần có thực tiễn. Hồ Thích căn bản là không quan tâm tới chủ nghĩa tinh hoa.

Nhưng những nhân vật lãnh đạo phong trào Ngũ Tứ thường xuyên nhận chỉ trích từ những lực lượng chính trị khác, những quan chức chính phủ và các văn nhân trí thức bảo hoàng đã từng chỉ trích rằng phong trào Ngũ Tứ là có xu hướng ủng hộ phương Tây, nhân tố về Trung Quốc không đủ, thậm chí là không yêu nước.

Nhưng những câu chuyện về cuộc đời của học giả P.C Chang (Trương Bành Xuân) đã bác bỏ quan điểm rằng phong trào Ngũ Tứ không đủ yếu tố được "Trung Quốc hóa". Cũng giống như người bạn thân Hồ Thích và những người thuộc thế hệ Ngũ Tứ, P.C Chang cũng đạt được học bổng, đi du học ở Hoa Kỳ. Xuất phát từ niềm đam mê với hý kịch, ông là người đầu tiên đem câu chuyện Hoa Mộc Lan cải biên thành kịch sân khấu. Ông đã đem kịch phương Tây giới thiệu cho Đại học Nam Khai là nơi người anh của ông[⑤] tài trợ thành lập; sau đó ông lại mời diễn viên hý kịch nổi tiếng Mai Lan Phương sang Hoa Kỳ biểu diễn Kinh Kịch. Từ trong tu dưỡng đạo đức truyền thống của Trung Quốc cùng những triết lý giáo dục nghiêm khắc, P.C Chang đã nhìn thấy những ưu thế để có thể kết hợp với tư tưởng của phương Tây từ đó hình thành nên những điều mới.

Điều này về sau đã làm nổi bật lên thành tựu cao nhất của P.C Chang: Cống hiến mang tính quyết định của ông đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Bản tuyên ngôn này được khởi thảo bởi một hội đồng chuyên gia quốc tế dưới sự chủ trì của phu nhân Eleanor Roosevelt sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nhà ngoại giao lâu năm P.C Chang đại diện cho Trung Quốc là thành viên của hội đồng này. Mục đích của tuyên ngôn là ngăn chặn sự chuyên chế và hành động chiến tranh của chính phủ thông qua những yêu cầu chính nghĩa về đạo đức, qua đó buộc chính phủ tôn trọng những quyền cơ bản của con người. Những quyền con người được quy định trong Tuyên ngôn năm 1948 bao gồm quyền được sống, tự do, an toàn, không bị nô dịch hoặc chịu cực hình, tự do tôn giáo và tự do tư tưởng.

John Pomfret đã viết: bằng việc "đem kết hợp chủ nghĩa cá nhân phương Tây và chủ nghĩa tập thể Trung Quốc với nhau", P.C Chang đã thúc đẩy góp phần hình thành một bản tuyên ngôn với các giá trị phổ quát thích hợp cho tất cả các quốc gia. P.C Chang cho rằng, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền không chỉ liên quan đến quyền cá nhân, mà cũng liên quan đến nghĩa vụ của cá nhân đối với xã hội.

Người viết tiểu sử của P.C Chang, nhà văn Hans Ingvar Roth của Đại học Stockholm nhấn mạnh cống hiến của ông đối với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Ông ta viết: "Tất cả những khía cạnh có ý nghĩa nhất hiện nay của bản tuyên ngôn, ví dụ như tính phổ quát của tuyên ngôn, tính trung lập về tôn giáo, sự nhấn mạnh về nhu cầu cơ bản và phẩm giá của cá nhân, P.C Chang đều có những đóng góp quan trọng."

Chỉ vài năm sau khi bản tuyên ngôn được Liên Hiệp Quốc thông qua, cảm thấy thất vọng vì tình trạng thiếu dân chủ ở Trung Quốc, P.C Chang đã rời khỏi vị trí viên chức ngoại giao. Không khó để nhận thấy rằng, nhận xét của P.C Chang về sự thiếu hụt dân chủ của chính phủ không xuất phát từ triết học Hy Lạp cổ đại, mà là những yêu cầu về đức tính phẩm cách đối với lãnh đạo trong tư tưởng truyền thống Trung Quốc. P.C Chang và Hồ thích đều biết rõ luận điệu "người Trung Quốc không thích hợp với dân chủ" chỉ bất quá là những lời nói xằng bậy, vô nghĩa, là thứ luận điệu không yêu nước nhất. Đài Loan ngày nay chính là một ví dụ tươi mới nhất chứng minh cho điều này. 

Biểu Tình Tại Bắc Kinh Năm 1919
Vậy thì, tinh thần Ngũ Tứ của Trung Quốc hiện nay đang ở đâu? Dưới góc nhìn của tôi, những người kế tục tinh thần Ngũ Tứ hiện nay chính là những công dân Trung Quốc có ý thức về trách nhiệm công dân, biểu hiện của nó nằm trong những hành vi dũng cảm lớn nhỏ mà họ đã thực hiện. Bác sĩ Lý Văn Lượng chính là một người như vậy. Bác sỹ Lý không phải là một trí thức công cộng đang tìm cách cứu rỗi Trung Quốc, mà anh là một bác sỹ nhãn khoa, một người cha trẻ tuổi. Đầu tiên anh ta đã thực hiện một hành động dũng cảm nho nhỏ, sau đó mới là một anh hùng lớn lao. Vào hạ tuần tháng 12, ban đầu thì anh đã gửi lời cảnh báo đến một số bạn học cùng trường y thông qua ứng dụng tin nhắn Wechat, nói rằng Bệnh viện Vũ Hán đã phát hiện thấy những ca nhiễm bệnh Coronavirus nghiêm trọng, kêu gọi bạn bè bảo vệ chính bản thân họ cùng gia đình.

Cảnh báo của anh, không ngờ đã được chia sẻ một cách rộng rãi trên mạng internet, bác sỹ Lỹ cảm thấy bất an. Có đầy đủ lí do cho sự bất an này. Những người quản lý của bệnh viện đã nhanh chóng cảnh cáo anh, nói rằng anh không được tiết lộ tin tức về các ca bệnh Coronavirus. Sau đó, bác sỹ Lý, bởi vì "công bố những bình luận sai lệch, không có thật trên mạng internet", bị cảnh sát "phê bình giáo dục", bị ép buộc phải kí tên thừa nhận "tạo tin đồn", bị đe dọa kiện ra tòa. Nếu như có người nghi ngờ, đây chỉ là hành vi quá khích của cảnh sát địa phương, vậy thì việc chính quyền sử dụng Đài truyền hình Trung ương CCTV để tuyên truyền tạo dư luận rộng rãi rằng chính bác sỹ Lý là người "lan truyền tin đồn", sẽ xóa bỏ mọi nghi ngờ.

Sau đó, bác sỹ Lý đã thực hiện một hành động anh hùng đầy dũng cảm. Anh đã đăng tải những trải nghiệm của bản thân trong đồn cảnh sát lên truyền thông mạng xã hội, kèm theo đó là một lá thư cảnh cáo được gửi từ phía cảnh sát. Cả thế giới đều đổ dồn sự theo dõi vào sự kiện. Vào thời điểm đó bác sỹ Lý đã bị nhiễm Coronavirus. Cái chết của anh vào ngày 7 tháng 2 đã khiến mọi người trên toàn thế giới cảm thấy như bản thân mình vừa mất đi một người thân. Bác sỹ Lý nói với phóng viên: "Tôi cho rằng, trong một xã hội lành mạnh, nên có nhiều tiếng nói, tôi không tán thành sự can dự quá mức của quyền lực công". Bác sỹ Lý đã sử dụng Văn bạch thoại của Hồ Thích.

Trung Quốc ngày nay, gặp mặt phóng viên, hoặc trở thành phóng viên thì đều cần có lòng dũng cảm. Hiện tại ở Trung Quốc, việc tìm kiếm phóng viên điều tra về các vấn đề trong và ngoài nước hết sức khó khăn. Một số nhà báo công dân cố gắng phơi bày tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán đã bị mất tích, bao gồm Trần Thu Thực, Phương Bân và Lý Trạch Hoa. Trong những tháng gần đây, số lượng phóng viên nước ngoài bị trục xuất khỏi Trung Quốc đã vượt quá số lượng người bị trục xuất khỏi Liên Xô trong mấy chục năm. Đồng nghiệp của bác sỹ Lý Văn Lượng là bác sỹ Ngải Phân cũng đã có những lời cảnh báo về tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán. Theo tin báo chí, bác sỹ Ngải Phân sau khi trả lời phỏng vấn thì đã không còn được phép tiếp tục xuất hiện.

Khi chính phủ trấn áp những hành vi thông thường với một chút dũng cảm, nó thường sẽ dẫn tới những hành vi dũng cảm và táo bạo hơn.

Trong những tháng vừa qua, có rất nhiều người đã thể hiện đạo đức và sự can đảm trong hành vi, tất cả đều cùng theo đuổi những lý tưởng chung với những người thuộc về các thế hệ trước trong hơn 100 năm qua như Hồ Thích, P.C Chang. Trong số họ có nhân vật chính trị, có người cống hiến cuộc đời cho tín ngưỡng của mình, có người tuân theo lương tâm của một học giả Trung Quốc truyền thống, có rất nhiều người là những công dân bình thường. Hứa Chương Nhuận, Nhậm Chí Cường, Hứa Chí Dũng, Ilham Tohti, Phương Phương, 20 vị linh mục Kito Giáo từ chối đem Thiên Chúa phục vụ Đảng Cộng sản, cũng như hàng triệu người dân Hong Kong đã biểu tình ôn hòa nhằm đòi hỏi một xã hội pháp trị. Đây vẫn chỉ là thiểu số.

Ngày hôm nay phong trào Ngũ Tứ bước sang thế kỷ thứ hai. Di sản cuối cùng của nó sẽ là gì? Câu hỏi này sẽ chỉ có người dân Trung Quốc mới có thể trả lời. Phong trào Ngũ Tứ thuộc về họ. Khát vọng dân chủ của phong trào Ngũ Tứ vẫn sẽ phải đợi cho tới thế kỷ sau ư? Vào mỗi dịp kỉ niệm phong trào Ngũ Tứ thì tư tưởng cốt lõi của nó sẽ lại bị chính quyền xóa bỏ và kiểm duyệt? Ngày hôm nay những người có lòng tin vững chắc với dân chủ vẫn sẽ được xem là thành phần "không yêu nước", "thân Hoa Kỳ" và có "bản tính nổi loạn lật đổ chính quyền" ư? Chúng ta biết rõ ràng Đảng Cộng sản họ sẽ cố gắng hết sức để làm như vậy. Dù sao chăng nữa, sự khoan dung của Mao Trạch Đông đối với nhà văn Lỗ Tấn - một trong số ít những nhân vật anh hùng của phong trào Ngũ Tứ được chính quyền công nhận - cũng là có hạn. Năm 1957, một người trong chính quyền Trung Quốc khi đó là La Tắc Nam đã hỏi Mao Trạch Đông: "Nếu như Lỗ Tấn cho tới ngày hôm nay vẫn còn sống thì sẽ như thế nào?" Mao Trạch Đông đã có câu trả lời gây sốc: "Hoặc là bị nhốt trong tù nơi ông ta tiếp tục sáng tác, hoặc là một chữ cũng không nói."


Những người Trung Quốc có ý chí muốn tìm kiếm sự thật, nói lên những điều chân thực ở Trung Quốc có lẽ sẽ cảm thấy được an ủi, Lỗ Tấn từng viết: "Những lời dối trá được viết bằng mực đen, tuyệt sẽ không thể che lấp được sự thật được viết bằng máu."

Cuối cùng, với cái nhìn từ Hoa Kỳ: Hồ Thích vốn nổi tiếng vì cách giải quyết vấn đề mà không quan tâm đến những lý thuyết chính trị trừu tượng. Tuy vậy, hãy để tôi phá vỡ quy tắc về "chủ nghĩa ít nói" của ông, thử đặt câu hỏi rằng ở Trung Quốc ngày nay có thể hay không thu được lợi ích nếu ít đi chủ nghĩa dân tộc và nhiều lên một chút chủ nghĩa bình dân(Chủ nghĩa dân túy). Dân chủ của chủ nghĩa bình dân luôn ít quan tâm đến vấn đề tả - hữu, mà là quan tâm đến trục dọc trên - dưới của quyền lực. Cũng có nghĩa là, thiểu số cần có được sự đồng ý của đa số. Khi những người nắm giữ đặc quyền tách rời khỏi quần chúng, trở nên hẹp hòi và ích kỷ, chủ nghĩa bình dân có thể khiến cho họ phải chùn bước hoặc bị loại khỏi cuộc chơi. Đây là một động lực. Nó đã thúc đẩy Brexit ở Anh Quốc vào năm 2015; Tổng thống Trump giành chiến thắng trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016; thúc đẩy người sáng lập ra ngôi trường này[⑥] tham gia kí tên vào Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ vào năm 1776. Nó có thể giúp nhắc nhở những người thuộc tầng lớp tinh hoa nắm giữ đặc quyền của quốc gia nhớ được rằng họ làm việc cho ai: "Hoa Kỳ trên hết!".

Ý tưởng tương tự không phải là cũng nằm ở trong tinh thần của phong trào Ngũ Tứ hay sao? Văn bạch thoại của Hồ Thích không phải là nhằm vào tầng lớp nắm giữ đặc quyền quốc gia không cách nào tự thức tỉnh ý thức hay sao? Lẽ nào không phải là lời tuyên chiến đối với kết cấu quyền lực truyền thông hay sao? Không phải là muốn xây dựng ở Trung Quốc một chính phủ "lấy dân làm trọng", mà không phải là "đả giang sơn, tọa giang sơn" (Đánh chiếm thiên hạ, thống trị thiên hạ) ư? Thế giới sẽ chờ đợi câu trả lời cuối cùng do người dân Trung Quốc đưa ra.

Cám ơn mọi người!

[①] Hòa ước Versailles năm 1919 là hòa ước chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) giữa nước Đức và các quốc gia thuộc phe Hiệp Ước.
[②] Hội nghị Hải quân Washingon là một hội nghị quân sự do chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Warren G. Harding khởi xướng, tiến hành tại Washington DC từ ngày 12/12/1921 đến ngày 6/2/1922 ngoài khuôn khổ của Hội Quốc Liên. Tham dự hội có 9 quốc gia có lợi ích tại Thái Bình Dương và Đông Á.
[③] Hồ Thích (1891 –1962) là một nhà ngoại giao, nhà triết học Trung Quốc. Ngày nay ông được công nhận rộng rãi là người có những góp to lớn cho chủ nghĩa tự do và cải cách ngôn ngữ ở Trung Quốc. Ông là một trong những lãnh đạo của phong trào Văn hóa mới ở Trung Quốc đầu thế kỷ 20 và đồng thời cũng là cựu hiệ trưởng Đại học Bắc Kinh. Ông được đề cử giải Nobel Văn học năm 1939.
[④] Văn ngôn hay còn gọi là cổ văn có nguồn gốc từ giáp cốt văn cùng kim văn là một loại ngôn ngữ viết của Hán ngữ thượng cổ, được phát triển làm ngôn ngữ văn học cổ điển từ thời Xuân Thu Chiến Quốc thế kỷ 5 TCN đến hết thời nhà Hán, tiếp tục dùng trong sách vở, kinh điển truyền thống cho đến thế kỷ 20, khiến nó khác xa với nhiều dạng văn nói hiện đại Trung Quốc.
[⑤] Trương Bá Linh (1876-1951): Nhà giáo dục, chính trị gia Trung Quốc cận đại.
[⑥] Đại học Virginia được thành lập vào năm 1819 bởi tác giả bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ Thomas Jefferson.

Bản dịch và phụ chú của Hồ Như Ý

0 comments:

Post a Comment

MAGASAM

HOA KỲ SÂM

MỸ VỊ HOA KỲ

NHIỀU NGƯỜI ĐỌC

MAGASAM-US

ĐĂNG RAO VẶT / CLASSIFIED: (Message* kèm số điện thoại)

Name

Email *

Message *

Video